Luật phải loại bỏ những đối tượng kinh doanh cơ chế

19/06/2014 02:00 GMT+7

Thảo luận về dự án luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) sửa đổi chiều 18.6, nhiều ĐB đánh giá sẽ có tác động tích cực tới thị trường BĐS vốn ảm đạm hiện nay, tuy nhiên trong dự thảo luật còn không ít vấn đề gây băn khoăn.

Thảo luận về dự án luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) sửa đổi chiều 18.6, nhiều ĐB đánh giá sẽ có tác động tích cực tới thị trường BĐS vốn ảm đạm hiện nay, tuy nhiên trong dự thảo luật còn không ít vấn đề gây băn khoăn.

Đa số ĐB cho rằng yêu cầu về vốn pháp định đối với tổ chức cá nhân kinh doanh BĐS sẽ tránh được tình trạng “tay không bắt giặc” nhưng ở mức 50 tỉ đồng như dự thảo là quá cao, không khả thi. “Nếu quy định này được áp dụng thì các doanh nghiệp (DN) đang có mức vốn thấp hơn buộc phải tăng vốn để đảm bảo 50 tỉ đồng theo quy định. Điều này sẽ không phù hợp với những DN đã hoàn thành dự án đầu tư, nhưng hiện tại chưa có dự án đầu tư nào khác. Như vậy DN sẽ phải lựa chọn hoặc là đăng ký thay đổi ngành nghề kinh doanh, bỏ ngành nghề kinh doanh BĐS để không vi phạm quy định”, ĐB Phạm Văn Tấn (Nghệ An) nói. Ông đề nghị ban soạn thảo xem xét lại để có quy định phù hợp hơn.

Đối với quy định về bảo lãnh trong bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của DN ngoài hoàn lại số tiền ứng trước của khách hàng còn phải bù đắp lãi suất theo lãi suất tiền gửi ngân hàng để tránh tình trạng nhà đầu tư lạm dụng vốn góp của khách hàng để đầu tư không đúng mục đích, gây bức xúc trong xã hội như thời gian qua.

Cùng về nội dung này, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) góp ý người mua phải được quyền kiểm soát bất cứ lúc nào số tiền của mình góp vào được sử dụng như thế nào. Đồng thời phải đảm bảo được các nguyên tắc người đầu tư và kinh doanh BĐS ngoài giấy tờ thủ tục, hoàn thành phần móng thì còn phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tránh tình trạng người dân đóng vào hàng trăm tỉ đồng nhưng chủ đầu tư vẫn chây ì không hoàn thành dự án mà không có cách nào để buộc họ phải tiếp tục dự án.

Góp ý về mặt tổng thể, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng mục đích sửa đổi dự luật này không chỉ phát triển mà còn phải làm lành mạnh hóa thị trường BĐS. Ông đề nghị quy định chặt chẽ về việc chuyển nhượng dự án.

Trong chiều qua, Quốc hội đã thông qua luật Xây dựng (sửa đổi).

Thái Sơn

>> Chưa đồng nhất để Việt kiều kinh doanh bất động sản
>> Vốn 50 tỉ đồng mới được kinh doanh bất động sản
>> Luật Kinh doanh bất động sản: 9 tháng chưa có văn bản hướng dẫn !
>> Công chức nhà nước không được cấp chứng chỉ kinh doanh bất động sản
>> Doanh nghiệp trong nước kinh doanh bất động sản phải có vốn ít nhất 2 tỉ đồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.