Lãnh đạo châu Âu nhất trí 'về nguyên tắc' cấm nhập khẩu đến 90% dầu từ Nga

31/05/2022 13:46 GMT+7

Ngày 30.5, các lãnh đạo châu Âu đã đồng ý đến cuối năm 2022 sẽ cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga, giải quyết bế tắc trước đó với Hungary.

Thỏa thuận này sẽ giúp các lệnh cấm vận khác của EU áp lên Nga có hiệu lực, bao gồm cắt ngân hàng lớn nhất của Nga khỏi hệ thống SWIFT.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đăng lên Twitter cá nhân sau ngày họp đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh với 27 nhà lãnh đạo EU: “EU đồng ý cấm nhập khẩu dầu Nga”. Hơn 2/3 lượng dầu EU nhập khẩu từ Nga sẽ ngay lập tức bị ảnh hưởng.

Theo ông Michel, điều này sẽ “cắt nguồn tài chính khổng lồ” và “gây áp lực tối đa để Nga chấm dứt chiến tranh”.

Bài đăng ngày 30.5 của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel

2/3 lượng dầu Nga EU nhập khẩu được được vận chuyển qua đường biển và 1/3 còn lại qua đường ống Druzhba. Do đó, lệnh cấm vận nhập khẩu dầu qua đường biển của EU sẽ áp dụng đối với 2/3 tổng lượng dầu khối này nhập từ Nga.

Lệnh cấm vận sẽ bao gồm 90% toàn bộ lượng dầu nhập khẩu từ Nga khi Ba Lan và Đức ngừng nhâp dầu vào cuối năm nay. 10% còn lại sẽ tạm thời được miễn trừ khỏi lệnh cấm vận để Hungary, Slovakia và CH Séc vẫn tiếp tục nhập khẩu dầu từ Nga qua đường ống Druzhba.

Hungary cũng được các lãnh đạo EU đảm bảo rằng các biện pháp khẩn cấp sẽ được áp dụng "trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn đột ngột”.T rước đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tỏ ra lo ngại về rủi ro đối với đường ống dẫn dầu từ Nga qua Ukraine đến nước này.

Hiện chưa rõ các quốc gia EU nhập dầu từ tàu chở hàng sẽ được bù đắp thế nào khi họ phải chi trả chi phí cao hơn các quốc gia nhập đầu qua đường ống.

Từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2.2022, EU đã công bố 5 vòng cấm vận Moscow, thể hiện sự thống nhất và phản ứng tốc độ trước chiến sự này. Tuy nhiên, lệnh cấm nhập khẩu dầu để nới rộng các biện pháp trừng phạt gặp nhiều khó khăn khi rủi ro kinh tế đối với châu Âu ngày càng tăng do nhiều quốc gia EU phụ thuộc vào dầu thô của Nga.

Các lãnh đạo EU cũng ủng hộ việc thành lập quỹ quốc tế nhằm hỗ trợ tái thiết Ukraine sau chiến tranh, với các chi tiết sẽ được cân nhắc sau. Trong ngày 31.5, các lãnh đạo EU sẽ cam kết tăng cường trợ giúp Ukraine chuyển ngũ cốc đến các khách hàng toàn cầu qua đường sắt và xe tải vì hải quân Nga đang chặn các tuyến đường biển thông thường. Ngoài ra, EU sẽ thảo luận về việc thực hiện các bước để nhanh chóng trở nên độc lập hơn với năng lượng của Nga.

EU từng bước cấm vận dầu Nga, giá xăng dầu thế giới tăng vọt
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.