Vùng lãnh thổ Pháp cần thêm cảnh sát, hiến binh để dập bạo loạn

Vùng lãnh thổ Pháp cần thêm cảnh sát, hiến binh để dập bạo loạn

22/05/2024 08:32 GMT+7

Reuters đưa tin Pháp đã điều động hàng ngàn cảnh sát, hiến binh đến New Caledonia nhằm đối phó bạo loạn, trong khi nhiều tuyến đường vẫn bị người biểu tình phong tỏa và sân bay đóng cửa khiến nhiều du khách mắc kẹt.

Nhóm tổ chức biểu tình tại lãnh thổ Thái Bình Dương của Pháp tuyên bố sẽ tiếp tục phong tỏa đường sá, đồng thời kêu gọi một cách tiếp cận ôn hòa.

Giới chức New Caledonia cho biết nhiều cửa hàng lương thực không thể nhập hàng và nhân viên y tế không thể đi lại an toàn vì giao thông bị phong tỏa. Ngày 20.5, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal nói "chúng ta vẫn còn lâu mới trở lại bình thường".

Theo một quan chức Pháp, cảnh sát sẽ mất vài ngày để kiểm soát lại tuyến đường từ thủ đô Noumea của New Caledonia đến sân bay quốc tế tại đây.

Bạo loạn nổ ra vì một dự luật mới các nhà lập pháp Pháp thông qua hôm 14.5, cho phép cư dân nước này sống ở New Caledonia 10 năm được bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử cấp tỉnh. Một số lãnh đạo địa phương quan ngại điều này sẽ làm loãng phiếu bầu của người Kanak bản địa.

Một ngày sau đó, Pháp ban bố tình trạng khẩn cấp tại New Caledonia kéo dài trong 12 ngày kể từ 15.5. Sáu người đã thiệt mạng và tình trạng bất ổn thể hiện rõ với hình ảnh những cơ sở kinh doanh, ô tô và cửa hàng bị cướp phá, cùng với các rào chắn đường hạn chế việc tiếp cận thuốc men và thực phẩm. Ước tính 150 công ty đã bị cướp phá và phóng hỏa.

Vùng lãnh thổ Pháp cần thêm cảnh sát, hiến binh để dập bạo loạn- Ảnh 1.

Xe cộ bị phóng hỏa trong bạo loạn tại new Caledonia

Reuters

Chính quyền địa phương cho biết có khoảng 3.200 người đang chờ để rời hoặc đến New Caledonia khi các chuyến bay thương mại bị hủy do tình trạng bất ổn nổ ra vào tuần trước.

Hơn 1.000 hiến binh và cảnh sát từ Pháp đã đến New Caledonia và 600 người nữa sẽ được bổ sung. Đường sá ở thủ đô Noumea của New Caledonia đang được dọn sạch, với xe ủi dọn nhiều xác ô tô bị cháy.

Úc và New Zealand cho biết sẽ điều máy bay chính phủ đến New Caledonia ngày 21.5 để sơ tán công dân. Thủ tướng Úc Anthony Albanese nói tình hình tại quần đảo này "đáng lo ngại sâu sắc".

Tuần trước, Mỹ nâng mức khuyến cáo và kêu gọi công dân nên "cân nhắc lại" việc đến New Caledonia do bất ổn tại đây. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ tuần trước kêu gọi các bên làm việc để giải quyết căng thẳng đang tiếp diễn.

Cải cách bầu cử là điểm nóng mới nhất trong cuộc tranh cãi kéo dài hàng thập niên về vai trò của Pháp tại hòn đảo giàu khoáng sản, nằm ở phía tây nam Thái Bình Dương, cách Úc khoảng 1.500 km về phía đông.

Pháp sáp nhập hòn đảo vào năm 1853 và trao cho quần đảo này quy chế lãnh thổ hải ngoại vào năm 1946. Từ lâu, hòn đảo này đã chứng kiến các phong trào ủng hộ độc lập.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.