Xem nhanh: Chiến dịch ngày 475, NATO khích lệ bước tiến của Ukraine; ông Putin nói phản công tổn thất nặng

Xem nhanh: Chiến dịch ngày 475, NATO khích lệ bước tiến của Ukraine; ông Putin nói phản công tổn thất nặng

14/06/2023 23:17 GMT+7

Không quân Ukraine tuyên bố Nga đã tấn công bằng 20 tên lửa và máy bay không người lái vào đêm 13, rạng sáng 14.6 nhưng lực lượng phòng không Ukraine đã đánh chặn thành công 12 tên lửa và UAV.

Theo thông báo của không quân Ukraine, Nga đã phóng 4 tên lửa hành trình Kalibr từ Biển Đen về phía thành phố Odessa, trong đó 3 tên lửa đã bị bắn hạ.

Cùng ngày, các lực lượng Nga cũng triển khai máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 phóng 6 tên lửa hành trình Kh-22 từ vùng Rostov của Nga vào khu vực Donetsk, miền đông Ukraine.

Bên cạnh đó, Nga cũng phóng 10 UAV tự sát vào khu vực đông nam Ukraine, 9 trong số đó đã bị bắn hạ.

Về tình hình giao tranh, một số chuyên gia quân sự Nga nhận định mặc dù Ukraine tổ chức phản công tương đối lớn nhưng chủ yếu vẫn mang tính thăm dò bởi lực lượng dự bị chiến lược thuộc quân đoàn 9 và 10 vẫn chưa thực sự tham chiến. Dự báo nếu thời tiết tốt lên trong vài ngày tới, rất có thể Ukraine sẽ tổ chức một đợt tấn công lớn xuống phía nam.

Phía Nga cũng chưa tung quân chủ lực dự bị ra, và một điểm đáng chú ý nữa là các lực lượng quân sự Chechnya và Wagner hầu như không tham gia vào chiến sự.

Tình hình như vậy dẫn đến những nhận định cho rằng có thể đây đang là khoảng lặng trước cơn bão lớn, và trong vài ngày tới chiến sự có thể sẽ leo thang.

Ukraine trong những ngày gần đây đã tái kiểm soát một số ngôi làng trong cuộc phản công của mình.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 13.6 đã tái khẳng định mong muốn của họ đối với việc Thụy Điển gia nhập NATO.

Theo thông báo của Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh mong muốn chung của họ là chào đón Thụy Điển gia nhập liên minh càng sớm càng tốt.

Thụy Điển đã báo hiệu ý định gia nhập NATO vào tháng 5 năm ngoái sau khi chiến sự Ukraine nổ ra nhưng điều này đang bị Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary ngăn cản.

Thông báo của Nhà Trắng cho biết ông Biden và ông Stoltenberg cũng đã thảo luận về tác động của cuộc xung đột Ukraine đối với an ninh xuyên Đại Tây Dương và tầm quan trọng của việc tiếp tục tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ của NATO.

Cũng trong dịp đến thăm Nhà Trắng này, nhà lãnh đạo NATO đã ca ngợi về những tiến bộ của Ukraine trên chiến trường trong những ngày gần đây. Ông Stoltenberg hy vọng các bước tiến của Ukraine trong cuộc phản công có thể thúc đẩy đàm phán hòa bình.

Hôm 13.6, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp thêm 15 xe chiến đấu Bradley cho Ukraine.

Những chiếc xe Bradley là một phần của gói hỗ trợ trị giá 325 triệu USD, bao gồm 10 xe bọc thép chở quân Stryker, đạn dược cho hệ thống tên lửa đất đối không và hệ thống tên lửa HIMARS, hệ thống phòng không vác vai Stinger và hệ thống tên lửa chống tăng Javelin, đạn pháo 155mm - 105 mm và đạn vũ khí hạng nhẹ.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 13.6 cho biết: "Mỹ cùng các đồng minh và đối tác sẽ đoàn kết với Ukraine cho đến chừng nào còn cần thiết".

Động thái này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi có báo cáo cho biết Kyiv đã mất nhiều phương tiện do Mỹ cung cấp trong cuộc phản công chống lại Nga.

Quân đội Mỹ cho biết chưa thể xác nhận thông tin thiết giáp Bradley bị lực lượng Nga phá hủy. Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh nói hôm 13.6 nói: "Tôi đã xem tin tức nhưng không thể chứng thực một số video và hình ảnh đó. Tôi không thể xác nhận thông tin từ phía Nga",

Ngoài ra, truyền thông Phần Lan cũng cho biết trong một hướng phản công Ukraine đã mất một nửa số xe phá mìn hạng nặng dựa trên khung gầm xe tăng Leopard 2 do Phần Lan cung cấp.

Liệu Nga có thể thu được lợi ích gì từ các xe tăng Leopard và thiết giáp Bradley chiến lợi phẩm hay không? Theo chuyên gia Thomas Newdick của chuyên trang quân sự Mỹ The War Zone, "thiết bị liên lạc, tài liệu huấn luyện và vận hành có thể mang tới những dữ liệu tình báo giá trị trong thời gian trước mắt. Còn đánh giá hệ thống cảm biến và những hệ thống chiến đấu trên xe có thể mang lại lợi ích dài hạn” cho Nga.

Tuy nhiên, ông Newdick cũng lưu ý rằng đây không phải các phương tiện thiết giáp tối tân nhất của phương Tây, và Moscow nhiều khả năng đã biết rõ tính năng của chúng từ lâu.

Ông cũng bình luận rằng Nga cũng có thể tiến hành nhiều thử nghiệm, trong đó có sử dụng các loại vũ khí chống tăng, để tìm điểm yếu và phương thức đối phó thiết giáp phương Tây. Điều này cũng tương tự việc Mỹ mang xe T-90A thu được tại Ukraine về nước để nghiên cứu, mà bản tin truyền hình báo Thanh Niên từng nhắc đến.

Liên quan đến các tổn thất vũ khí phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một gặp mặt giới truyền thông Nga hôm 13.6 nói đùa rằng xe tăng Leopard do Đức sản xuất và thiết giáp Bradley của Mỹ "cháy rất tốt".

Cũng trong cuộc gặp này, ông Putin nói Ukraine đã bắt đầu chiến dịch phản công quy mô lớn nhưng thất bại ở mọi hướng và chịu thiệt hại mà tổng thống Nga mô tả là “lên đến ngưỡng có thể gọi là thảm khốc".

Bên cạnh đó, Tổng thống Nga cũng đề cập nhiều nội dung quan trọng khác.

Theo bản cập nhật tình hình chiến sự của tình báo Bộ Quốc phòng Anh, trong 2 tuần qua, đã có một sự gia tăng trong các cuộc xuất kích chiến thuật của không quân Nga, đặc biệt là ở miền nam Ukraine.

Tình báo Anh nhận định rằng điều này gần như chắc chắn là để đáp lại các hoạt động tấn công của Ukraine, khi Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga (VKS) cố gắng hỗ trợ bộ binh bằng các cuộc không kích.

Dù vậy, tỉ lệ xuất kích hàng ngày của VKS vẫn thấp hơn nhiều so với mức cao nhất là 300 phi vụ/ngày vào đầu chiến sự.

Một thông tin đáng chú ý hôm nay là Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus trong vài ngày tới.

Theo tờ The Guardian, Tổng thống Alexander Lukashenko cho biết các vũ khí hạt nhân sắp được Nga bố trí ở Belarus mạnh gấp ba lần so với quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào tháng 8.1945.

Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, quả bom được thả ở Hiroshima, được làm từ Uranium-235 được làm giàu ở mức độ cao, có sức công phá khoảng 16 kiloton (tương đương với 16.000 tấn thuốc nổ TNT), trong khi quả bom ở Nagasaki, được làm từ plutonium-239, có sức công phá khoảng 21 kiloton. Hai quả bom này đã tàn phá Hiroshima và Nagasaki, làm khoảng 200.000 người thiệt mạng.

Nếu những gì ông Lukashenko nói là đúng, mỗi đầu đạn của Nga đưa tới Belarus sẽ có đương lượng nổ khoảng 48-63 kiloton. Theo phân tích của Bản tin các nhà khoa học nguyên tử về vũ khí hạt nhân của Nga thì nước này có khoảng 1.816 đầu đạn hạt nhân phi chiến lược.

Ông Putin cho biết tên lửa đạn đạo tầm ngắn di động Iskander, có thể mang đầu đạn hạt nhân, đã được bàn giao cho Belarus. Các nguồn tin Nga cho biết Iskander có tầm bắn khoảng 500 km.

Ông Putin cũng cho biết 10 máy bay cường kích của Belarus đã được điều chỉnh để mang vũ khí hạt nhân. Đây có thể là loại máy bay phản lực Sukhoi Su-25 có tầm hoạt động lên tới 1.000 km.

Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ cho biết vũ khí có thể được đặt tại căn cứ không quân Lida, cách biên giới với Lithuania chỉ 40 km.

Nếu đúng như vậy, các phương tiện mang đầu đạn hạt nhân ở Belarus có khả năng tấn công hầu hết Ukraine, gần như toàn bộ Đông Âu, bao gồm các nước vùng Baltic, Ba Lan, Slovakia, Hungary, Cộng hòa Séc, Romania, một số vùng của Đức, cũng như một phần Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan. Các thành phố như Berlin và Stockholm cũng sẽ nằm trong phạm vi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.