Bản tin Covid-19 ngày 31.12: Cả nước thêm 16.515 ca | Đã phát hiện 15 ca nhiễm biến thể Omicron

31/12/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 31.12 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 31.12 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 16.515 ca Covid-19, 18.642 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 31.12 cho biết tính từ 16h ngày 30.12 đến 16h ngày 31.12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.515 ca nhiễm mới, 18.642 ca khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 226 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 32.394 ca.

Ngày 31.12: Cả nước 16.515 ca Covid-19, 18.642 ca khỏi | Hà Nội 1.914 ca | TP.HCM 557 ca

Thông tin về 16.515 ca nhiễm mới như sau:

  • 39 ca nhập cảnh.
  • 16.476 ca ghi nhận trong nước (giảm 504 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 11.337 ca trong cộng đồng). Tại Việt Nam đã xuất 15 ca nhiễm biến thể Omicron. Gồm: Hà Nội (1.914), Vĩnh Long (1.080), Cà Mau (1.063), Bình Phước (1.003), Khánh Hòa (799), Tây Ninh (776), Bình Định (655), Trà Vinh (571), Đồng Tháp (570), TP.HCM (557), Bạc Liêu (541), Hải Phòng (520), Thừa Thiên Huế (404), Bến Tre (367), An Giang (296), Cần Thơ (293), Bắc Ninh (269), Lâm Đồng (259), Tiền Giang (247), Hưng Yên (241), Bình Thuận (217), Sóc Trăng (215), Hậu Giang (195), Quảng Ngãi (195), Quảng Nam (188), Đồng Nai (178), Thanh Hóa (174), Sơn La (170), Kiên Giang (163), Quảng Ninh (155), Đà Nẵng (154), Bà Rịa - Vũng Tàu (152), Hà Giang (150), Ninh Bình (149), Gia Lai (148), Nam Định (119), Nghệ An (109), Bình Dương (107), Đắk Nông (100), Hòa Bình (97), Hà Nam (96), Bắc Giang (85), Vĩnh Phúc (82), Đắk Lắk (78), Lào Cai (70), Thái Bình (65), Long An (63), Ninh Thuận (47), Cao Bằng (45), Thái Nguyên (38), Quảng Bình (36), Lạng Sơn (35), Phú Thọ (33), Hải Dương (29), Tuyên Quang (28), Hà Tĩnh (27), Yên Bái (23), Kon Tum (20), Điện Biên (14), Lai Châu (2).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hải Phòng (-318), Tây Ninh (-159), TP.HCM (-140).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Vĩnh Long (+494), Bình Phước (+244), Bến Tre (+171).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.337 ca/ngày.- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.731.257 ca nhiễm, đứng thứ 31/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 138/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 17.550 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.725.518 ca, trong đó có 1.352.469 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 1 tỉnh không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (503.244), Bình Dương (290.671), Đồng Nai (97.718), Tây Ninh (75.109), Hà Nội (45.838).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 18.642 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.355.286 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.291 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 5.195 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.145 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 159 ca
  • Thở máy xâm lấn: 773 ca
  • ECMO: 19 ca

Từ 17h30 ngày 30.12 đến 17h30 ngày 31.12 ghi nhận 226 ca tử vong, gồm:

  • Tại TP.HCM (34) trong đó có 7 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Đồng Tháp (1), Long An (1), An Giang (1), Kiên Giang (1), Tiền Giang (1), Tây Ninh (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (18), An Giang (18), Vĩnh Long (15), Cần Thơ (15), Đồng Tháp (14), Bình Dương (13), Kiên Giang (12), Sóc Trăng (11), Khánh Hòa (10), Tiền Giang (10), Bình Phước (8 ), Hà Nội (7), Bạc Liêu (7), Hậu Giang (6), Tây Ninh (5), Cà Mau (5), Bình Thuận (4), Bà Rịa - Vũng Tàu (4), Trà Vinh (3), Long An (2), Gia Lai (2), Quảng Ngãi (1), Bình Định (1), Lâm Đồng (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 225 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 32.394 ca, chiếm tỉ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 131/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay là 30.308.498 mẫu tương đương 74.782.912 lượt người.

Trong ngày 30.12 có 1.964.508 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 150.935.915 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 77.555.511 liều, tiêm mũi 2 là 68.435.813 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 4.944.591 liều.

14 người nhập cảnh cách ly tại Quảng Nam nhiễm biến thể Omicron

Sáng 31.12.2021, ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, cho biết Viện Pasteur Nha Trang đã có văn bản báo cáo kết quả xét nghiệm giải trình tự gien Covid-19. Trong đó, xác định có 14 trường hợp nhiễm biến thể Omicron trên 4 chuyến bay cách ly tại Quảng Nam.

14 người nhập cảnh trên 4 chuyến bay cách ly tại Quảng Nam nhiễm biến thể Omicron

Trước đó, ngày 27.12, Viện Pasteur Nha Trang tiếp nhận 15 mẫu do tỉnh Quảng Nam gửi của hành khách nhập cảnh vào Việt Nam đang cách ly tập trung.

Ngày 28.12, Viện Pasteur Nha Trang xử lý và giải trình tự gien. Đến chiều ngày 30.12, có kết quả giải trình tự, trong đó 14/15 mẫu dương tính với biến chủng Omicron.

Cụ thể, chuyến bay VN99 từ Mỹ về Sân bay Đà Nẵng ngày 24.12, ghi nhận 8 trường hợp dương tính nhiễm biến thể Omicron. Chuyến bay VN417 từ Hàn Quốc về Sân bay Đà Nẵng ngày 24.12, ghi nhận 3 trường hợp dương tính nhiễm biến thể Omicron.

Chuyến bay VN417 từ Hàn Quốc về Sân bay Đà Nẵng ngày 23.12, ghi nhận 2 trường hợp dương tính nhiễm biến thể Omicron. Chuyến bay QH9451 từ Hàn Quốc về Sân bay Đà Nẵng ngày 21.12, ghi nhận 1 trường hợp dương tính nhiễm biến thể Omicron.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin 14 trường hợp nhiễm biến thể Omicron trên 4 chuyến bay cách ly tại Quảng Nam. Tổ thông tin truy vết đã phối hợp thu thập được danh sách các trường hợp liên quan.

Các đơn vị xác định được 697 hành khách và 58 người thuộc tổ bay trên 4 chuyến bay từ Mỹ và Hàn Quốc về sân bay Đà Nẵng. Những du khách được cách ly tại các khách sạn ở TP.HCM, thành phố Hội An (Quảng Nam) và Hà Nội. Những du khách này hầu hết đã tiêm 2 - 3 mũi vắc xin Covid-19.

Toàn bộ hành khách trên chuyến bay QH9451 từ Hàn Quốc về sân bay Đà Nẵng ngày 21.12 đã hết thời hạn cách cách ly và di chuyển về địa phương. Các hành khách khác trên 3 chuyến bay còn lại hết hạn cách ly trong tối 30.12 và sáng 31.12.

Hiện tại tổ thông tin truy vết đã thu thập được đầy đủ danh sách địa chỉ và số điện thoại của toàn bộ hành khách cách ly tập trung tại Quảng Nam. Tổ thông tin truy vết xin tiếp tục cập nhật các công việc truy vết.

Như vậy, đây là trường hợp thứ 15 ghi nhận nhiễm biến thể Omicron tại Việt Nam. Trước đó, ngày 28.12, Việt Nam ghi nhận trường hợp nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên. Bệnh nhân là hành khách từ Anh về Việt Nam ngày 19.12 có test nhanh dương tính với Covid-19 tại sân bay.

Bộ Y tế yêu cầu thần tốc ngăn chặn biến thể Omicron

Ngày 31.12.2021, Bộ Y tế có Công điện 2308 về việc điều tra, xử lý ổ dịch Covid-19 gửi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Nam, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Đà Nẵng, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Hãng hàng không Bamboo Airways.

Bộ Y tế yêu cầu mở rộng điều tra dịch tễ, truy vết thần tốc ngăn chặn biến thể Omicron

Công điện của Bộ Y tế cho biết theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam đã ghi nhận 14 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron trên 4 chuyến bay, gồm:

  • 8 người trên chuyến bay VN99 từ Mỹ về Sân bay Đà Nẵng ngày 24.12.
  • 3 người trên chuyến bay VN417 từ Hàn Quốc về Sân bay Đà Nẵng ngày 24.12.
  • 2 người trên chuyến bay VN417 từ Hàn Quốc về Sân bay Đà Nẵng ngày 23.12.
  • 1 người trên chuyến bay QH9451 từ Hàn Quốc về Sân bay Đà Nẵng ngày 21.12.

Tất cả 14 trường hợp đã được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm tại tỉnh Quảng Nam.

Ngày 30.12, kết quả giải trình tự gien của Viện Pasteur Nha Trang các trường hợp trên dương tính với biến chủng mới Omicron (B.1.1.529).

Để tiếp tục triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch lây lan ra cộng đồng, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia) đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các tỉnh, thành phố và các đơn vị gồm: Quảng Nam, Đà Nẵng, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Hãng hàng không Bamboo Airways khẩn trương chỉ đạo, tổ chức triển khai, thực hiện ngay các nội dung cụ thể như sau:

Các đơn vị tiếp tục mở rộng điều tra dịch tễ, thông báo cho các địa phương liên quan để phối hợp truy vết thần tốc, lập danh sách tất cả những người tiếp xúc gần và có liên quan với các bệnh nhân, thực hiện cách ly y tế kịp thời các trường hợp F1 và đảm bảo không để lọt các trường hợp tiếp xúc gần.

Bộ Y tế yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nguy cơ (bao gồm: người cùng trên xe đưa đón; nhân viên phục vụ tại khách sạn, tiếp viên hàng không, nhân viên phục vụ mặt đất; người tiếp xúc gần,...) tiến hành xét nghiệm khẳng định và trả lời kết quả nhanh nhất để triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả.

Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2, các đơn vị chủ động gửi mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm biến chủng Omicron đến Viện Pasteur Nha Trang để tiến hành xét nghiệm, giải trình tự gien khẳng định.

Đồng thời, các đơn vị liên quan tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, giám sát tại cộng đồng để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch không để lây lan ra cộng đồng.

Các đơn vị phải tổ chức khoanh vùng nhanh nơi bệnh nhân ở, sinh hoạt, từng qua; tiến hành ngay việc xử lý khử trùng triệt để môi trường tại các địa điểm bệnh nhân đã từng đến, ở, làm việc; các phương tiện vận chuyển và các khu vực có liên quan khác theo đúng quy định tại hướng dẫn giám sát và phòng, chống dịch Covid-19.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh cần thực hiện phân luồng, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu người đến khám bệnh thực hiện các quy định phòng chống Covid-19; cán bộ y tế, các khoa phòng, bộ phận có nguy cơ cao cần cảnh giác, thực hiện nghiêm ngặt các quy trình khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm tại các cơ sở y tế.

Đồng thời thực hiện đúng chế độ về thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm hàng ngày kết quả giám sát, điều tra, phòng chống dịch Covid-19 về Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế (qua email: baocaobtn@gmail.com) theo quy định.

Nguồn vắc xin Covid-19 tại TP.HCM đang rất dồi dào

Theo báo cáo chưa đầy đủ, trong 24 giờ qua, TP.HCM đã tiêm khoảng 96.000 liều vắc xin Covid-19 cho người dân trên địa bàn.

Nguồn vắc xin Covid-19 tại TP.HCM đang rất dồi dào

Tính từ ngày 8.3.2021 đến đến 6 giờ 30 ngày 31.12.2021, TP.HCM đã tiêm được khoảng 16,17 triệu liều vắc xin Covid-19. Trong đó bao gồm:

  • Hơn 8 triệu liều mũi 1.
  • Hơn 7 triệu liều mũi 2.
  • Hơn 1,1 triệu liều mũi 3 (gồm mũi bổ sung hơn 268.400 liều, mũi nhắc lại hơn 862.300 liều).

Trong đó, tỉ lệ tiêm vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên như sau:

  • Mũi 1 tiêm khoảng 7,3 triệu liều, đạt 101,29% (dân số trên 18 tuổi tại TP.HCM là trên 7,2 triệu người).
  • Mũi 2 tiêm khoảng 6,3 triệu liều, đạt 88,4%.
  • Mũi bổ sung tiêm hơn 268.200 liều, đạt 3,7%.
  • Mũi nhắc lại tiêm hơn 862.200 liều, đạt 11,9%.

Tỉ lệ tiêm vắc xin cho người từ 50 tuổi trở lên như sau:

  • Mũi 1 tiêm khoảng 1,79 triệu liều, đạt 90,6%,.
  • Mũi 2 tiêm khoảng 1,73 triệu liều, đạt 87,5%.

Tỉ lệ tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 - 17 tuổi như sau:

  • Mũi 1 tiêm hơn 706.000 liều, đạt 100,5%.
  • Mũi 2 tiêm hơn 651.000 liều, đạt 92,67%.

Để tiêm đạt được con số này, TP.HCM đã huy động gần như toàn bộ hệ thống y tế, không kể công tư, vào cuộc. Trong việc tiêm vắc xin Covid-19 một cách nhanh chóng, phải để đến sự chung tay mạnh mẽ của hệ thống y tế tư nhân. Có ngày TP.HCM tiêm kỷ lục lên 400.000 liều.

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), hiện nguồn vắc xin Covid-19 tại thành phố đang rất dồi dào. TP.HCM sẽ hoàn thành tiêm mũi 3 trong tháng 1.2022 và lập kế hoạch tiêm cho trẻ từ 3 – 11 tuổi.

Trước đó, đúng 10 giờ 54 phút ngày 24.2.2021, chuyến bay từ Hàn Quốc chở 117.600 liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Lãnh đạo Bộ Y tế, công ty AstraZeneca và đơn vị mua vắc xin là VNVC đã ra bãi đáp để nhận lô vắc xin, thông quan đưa về kho VNVC bảo quản, kiểm định. Đây là lô vắc xin Covid-19 đầu tiên được đưa về Việt Nam, nằm trong lô đặt mua trước 30 triệu liều của VNVC dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế, sau đó VNVC chuyển nhượng phi lợi nhuận cho Chính phủ. Lô AstraZeneca 30 triệu liều này được bàn giao hoàn thành cho Việt Nam vào trung tuần tháng 12.2021.

Ngày 8.3, lần đầu tiên TP.HCM tiêm 1.000 liều vắc xin Covid-19 AstraZeneca cho tuyến đầu chống dịch là y bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, sau đó mở rộng ra các bệnh viện, đơn vị khác.

Có 4 loại vắc xin Covid-19 chính được tiêm tại TP.HCM là AstraZenca, Moderna, Pfizer và Vero Cell.

Ngày 4.1.2022, học sinh TP.HCM từ lớp 7 trở lên đi học trở lại

Ngày 31.12.2021, UBND TP.HCM ban hành quyết định về việc mở rộng học sinh các khối lớp đi học trở lại từ 4.1.2022.

Ngày 4.1.2022, học sinh TP.HCM từ lớp 7 trở lên đi học trở lại

Cụ thể, UBND TP.HCM quyết định định tổ chức dạy học trực tiếp đối với học sinh lớp 7, 8, 9, 10, 11, 12 từ 4.1.2022.

Các trung tâm ngoại ngữ tin học, cơ sở giáo dục, đơn vị hoạt động kỹ năng sống sẽ được tổ chức dạy học tập trực tiếp sau khi được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các quận, huyện kiểm tra, thẩm định kế hoạch và phương án phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, những người tham gia giảng dạy, làm việc, học tập phải đảm bảo tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng Covid-19 sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19.

UBND TP.HCM giao Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Y tế chủ động rà soát, tham mưu điều chỉnh Bộ tiêu chí an toàn trong trường học khi cần thiết; tiếp tục triển khai các hướng dẫn chuyên môn về phương án học tập trực tiếp phù hợp với từng cấp học, bậc học và linh hoạt theo cấp độ dịch....

Đồng thời, UBND TP.HCM yêu cầu Sở GD-ĐT kịp thời tham mưu việc tổ chức mở rộng học trực tiếp cho học sinh từ sau Tết Nguyên đán năm 2022 cho trẻ mầm non, từ lớp 1 đến lớp 6.

Trước đó, bắt đầu từ 13.12.2021, gần 150.000 học sinh lớp 9 và 12 đã trở lại trường học trực tiếp sau gần 4 tháng học trực tuyến. So với tỉ lệ thăm dò ý kiến phụ huynh học sinh thì số học sinh đến trường thực tế cao hơn khá nhiều, có trường gần 100% số học sinh đã đi học trở lại.

Từ thực tế sau 2 tuần tổ chức thí điểm cho học sinh học trực tiếp, lãnh đạo các trường THCS, THPT đều cho rằng quy trình thực hiện đã ổn định, dần thích nghi một cách chủ động và sẵn sàng các phương án, tình huống chuyển trạng thái dạy học khi cần thiết.

Số trẻ em Mỹ nhập viện vì Covid-19 ngày càng tăng

Trong chỉ một vài tuần, biến thể Omicron đã ảnh hưởng sâu rộng đến thế hệ nhỏ nhất ở Mỹ.

Ngày càng nhiều trẻ em Mỹ nhập viện vì Covid-19

Số ca trẻ em nhập viện trung bình mỗi ngày ở Mỹ đã tăng gần 60% trong những ngày cuối tháng 12. Tỉ lệ tăng trung bình trên mọi độ tuổi là khoảng 19%. Dữ liệu này làm dấy lên lo ngại về tình hình các đối tượng dưới 18 tuổi và chưa tiêm ngừa trong đợt tăng ca nhiễm sắp tới.

“Số ca nhập viện nhiễm biến thể Omicron là người trẻ ở mọi độ tuổi đang tăng kỷ lục, từ trẻ sơ sinh đến thanh niên 21 tuổi ở các bệnh viện và phòng chăm sóc đặc biệt. Đến nay kinh nghiệm của tôi cho thấy là Omicron có mức độ gây bệnh nặng tương tự, nhưng dễ lây lan hơn nhiều”, theo Tiến sĩ James Schneider, Trung tâm y tế trẻ em Cohen (New York).

Tại New York City, một trong những nơi có tỉ lệ tiêm ngừa Covid-19 cao nhất Mỹ, chỉ có khoảng 40% trẻ em từ 5 đến 17 tuổi đã tiêm vắc xin đầy đủ. Dữ liệu này ở người lớn là 80%.

Hiện Mỹ chưa phê duyệt vắc xin Covid-19 cho trẻ em dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, ngày 30.12, New York Times đưa tin Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đang có kế hoạch thông qua liều tăng cường cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi, và trẻ từ 5 đến 11 tuổi bị suy yếu hệ miễn dịch.

Các trường học công ở New York City dự kiến mở cửa lại vào ngày 3.1 sau kì nghỉ lễ. Tuy nhiên ủy ban y tế của thành phố này cho hay việc yêu cầu tiêm vắc xin bắt buộc trong trường học vẫn còn xa vời:

“Thành phố sẽ ra thời hạn là mùa xuân năm nay cho quyết định bắt buộc tiêm vắc xin trong trường học, để có hiệu lực trong năm 2022”.

Nhiều khu vực khác ở Mỹ cũng ghi nhận số trẻ em nhập viện vì Covid-19 tăng vọt. Trong 4 tuần qua, số trẻ em dưới 18 tuổi nhập viện vì Covid-19 ở Ohio tăng 125%. Trong khi đó, số liệu này trong 7 ngày qua ở Florida, New Jersey và Illinois tăng ít nhất gấp đôi so với tuần trước đó.

Chưa đầy 15% trẻ em từ 5-11 tuổi ở Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ kể từ khi vắc xin Pfizer được cấp phép cho nhóm tuổi này hồi cuối tháng 10.2021.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 31.12 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.