Bất ngờ hé lộ từ 'nghĩa địa' lâu đời nhất thế giới ở châu Phi

Bất ngờ hé lộ từ 'nghĩa địa' lâu đời nhất thế giới ở châu Phi

12/06/2023 10:29 GMT+7

Một khám phá mới ở Nam Phi: khu chôn cất lâu đời nhất thế giới. Điều bất ngờ là nơi đây chứa hài cốt của một loài người cổ đại não nhỏ, luôn bị cho là không có hành vi phức tạp.

Nhóm nghiên cứu do nhà cổ sinh vật học người Mỹ Lee Berger đứng đầu đã công bố phát hiện hôm 5.6. Theo đó, một bầy người cổ đại có tên gọi Homo naledi đã chôn cất người chết và khắc các biểu tượng trên tường của các ngôi mộ. Các nhà khoa học cho biết điều này cho thấy bằng chứng sớm nhất về lễ mai táng và hoạt động tang lễ, và người khôn ngoan Homo sapiens, tức loài người hiện đại, ít nhất 100.000 năm sau mới có hoạt động này.

Homo naledi có kích thước não chỉ bằng 1/3 so với người hiện đại và nổi tiếng với khả năng leo cây. Các mảnh xương của loài người này đã được phát hiện trong một hệ thống hang động ngầm nằm ở độ sâu khoảng 30 m trong "Cái nôi của loài người" – một Di sản Thế giới được UNESCO công nhận nằm cách Johannesburg khoảng 40 km về phía tây bắc. Các mẫu vật được cho là có niên đại từ 335.000-241.000 năm trước, khiến chúng trở thành những ngôi mộ sớm nhất.

Nhóm của ông Berger ban đầu phát hiện ra Homo naledi vào năm 2015, và đã đặt vấn đề loài người này có hoạt động chôn cất có chủ ý, căn cứ trên vị trí và tính nguyên vẹn của các mảnh xương nằm sâu trong hệ thống hang động.

Tuy nhiên, nhóm hoài nghi phát hiện trên đưa ra các giả thuyết khác, như lắng đọng nước hoặc có sự tác động của con người hiện đại.

Tuy nhiên, những khám phá tiếp theo do nhóm thực hiện vào năm 2017 đã cung cấp thêm bằng chứng củng cố giả thuyết chôn cất có chủ ý. Những khám phá này bao gồm các hố nông chứa các mảnh xương có khả năng đã được đào bởi người Homo naledi, và những kiểu vật liệu lấp đầy bên trong các hố, bên cạnh các hình dạng và hoa văn trừu tượng được khắc trên tường hang động gần các khu chôn cất, gợi ý một bước nhận thức trong quá trình tiến hóa của loài người.

Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện này thách thức niềm tin rằng những hành vi như vậy chỉ có ở người Neanderthal và người Homo sapiens hiện đại, đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi về mối quan hệ giữa Homo naledi và con người đương đại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.