'Bóng hồng' sửa máy bay giữa phi trường: Được học quanh năm là điều thú vị

'Bóng hồng' sửa máy bay giữa phi trường: Được học quanh năm là điều thú vị

22/07/2023 07:21 GMT+7

Tò mò về việc một khối máy to như vậy làm sao bay được trên bầu trời, chị Lê Thu Vân quyết định tự tìm lời giải bằng cách đến với nghề bảo dưỡng máy bay. Và chị cũng là "bóng hồng" hiếm hoi theo công việc này tại sân bay Tân Sơn Nhất.

"Tò mò về việc một khối máy to như vậy làm sao bay được trên bầu trời, tôi quyết định tự tìm lời giải bằng cách theo chuyên ngành này", nữ kỹ sư nhún nhẹ vai, mỉm cười khi nhắc lại cơ duyên đến với nghề đặc biệt. 

16 năm trước, chị bước vào nghề và được phân công làm Ngoại trường – bảo dưỡng máy bay ở ngoài sân đỗ. Ngày đầu nhận việc, cô gái quê Thừa Thiên - Huế choáng ngợp trước không gian rộng lớn của sân bay Tân Sơn Nhất.

Chị giới thiệu: "Mỗi chuyến bay đến trước khi bay tiếp đều có quãng thời gian kiểm tra như vậy. Chúng tôi sẽ kiểm tra toàn bộ máy bay từ ngoài vào trong, từ trước ra đằng sau, từ cái càng chính, càng mũi, cánh, động cơ… Tùy máy bay lớn, nhỏ mà có thời gian kiểm tra khác nhau, như Airbus tối thiểu là 45 phút".

Mỗi chuyến máy bay đến sẽ có khoảng thời gian nghỉ để chuyển khách. Đây cũng là thời gian những thợ máy, kỹ sư thực hiện công việc của mình. Trong giới hạn thời gian, chị Vân kiểm tra lốp xem độ mòn, vết cắt; kiểm tra 2 cánh, mũi, đầu đuôi máy bay, động cơ xem có dấu hiệu chim đập, nghe xem động cơ điện có gì bất thường hay không… Hàng tá công đoạn nghe thì có thể ù tai nhưng với người kỹ sư máy bay khi độ an toàn được đặt cao nhất thì phải thuần thục và chính xác.

Để được sửa máy bay, sau khi qua vòng phỏng vấn của công ty, các kỹ sư ở đây phải thi chứng chỉ của Cục Hàng không Việt Nam gồm: luật, thực hành, lý thuyết và kỹ thuật. Cùng với đó, mỗi người phải thi chứng chỉ ủy quyền của tổ chức bảo dưỡng thì mới được cấp "chứng chỉ hành nghề". Mỗi năm kỹ sư phải thi lại một lần và 5 năm thi tiếng Anh chuyên ngành một lần.

"Nghề này không dễ nhìn thấy ở ngoài nên con tôi khá tự hào với bạn bè vì nghề này "nghe rất là kêu". Còn bạn tôi hỏi sửa máy bay thế nào, tôi trả lời giống như sửa xe đạp, xe máy thôi, mà nó sâu hơn một chút, to hơn một chút. Nhưng tôi biết thay lốp máy bay, còn lốp xe máy thì tôi không biết làm", chị dí dỏm so sánh rồi cười lớn.

Nữ kỹ sư bảo dưỡng máy bay ở Tân Sơn Nhất

Chị vẫn còn nhớ như in lần đầu có chứng chỉ và phải ký chịu trách nhiệm với chuyến bay sau bảo dưỡng. Khi đó, tàu bay chị phụ trách phải thay cả cặp lốp mũi. Cũng vẫn là bảo dưỡng như trước, nhưng lần này nhìn theo bóng máy bay mờ dần trên bầu trời, tiếng thình thịch trong lồng ngực của nữ kỹ sư trẻ vẫn nghe rõ vì lo lắng.

Gặp những người 'giấu mặt' dẫn đường máy bay: Nghề không được phép sai lầm

Nhưng bù lại, khi tiễn một chiếc máy bay vào khai thác, chạy đà rồi vút bay trên bầu trời, chị lại thấy lâng lâng ở trong người, vui vẻ, sảng khoái, thấy những đóng góp nhỏ nhoi của mình có ý nghĩa. Đó là lúc chị hiểu con đường mình lựa chọn mang lại những điều hạnh phúc thật đơn giản.

Nghề sửa máy bay này phải học liên tục để cập nhật thay đổi về mặt kỹ thuật, quy trình sửa chữa với từng dòng, áp dụng phù hợp quy trình của Cục Hàng không, nội bộ công ty thì mới qua được các kỳ thi. "Điều thú vị nhất khi làm về máy bay là lúc nào cũng có cái để học thêm vì sẽ có phát sinh cái này cái nọ. Từ đó mình để mình học giải quyết. Lúc được đi trên máy bay do chính mình từng bảo dưỡng rất xúc động và tự hào", nữ kỹ sư tâm sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.