Xem nhanh 20h ngày 20.5: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tuyên thệ nhậm chức

Xem nhanh 20h ngày 20.5: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tuyên thệ nhậm chức

20/05/2024 20:00 GMT+7

‘Xem nhanh 20h’ ngày 20.5 có nhiều tin tức đáng chú ý về: Phát biểu nhậm chức của tân Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bộ Công thương trả lời kiến nghị bỏ độc quyền phân phối điện;...

Bản tin "Xem nhanh 20h" ngày 20.5 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Phát biểu nhậm chức của tân Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Chiều 20.5, với 475/475 đại biểu Quốc hội tham gia bỏ phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết bầu ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội, làm Chủ tịch Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Xem nhanh 20h ngày 20.5: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tuyên thệ nhậm chức- Ảnh 1.

Tân Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tuyên thệ nhậm chức

GIA HÂN

Trong phát biểu nhậm chức, tân Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội khóa XV đã tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội. "Đây là niềm vinh dự to lớn, đồng thời là trách nhiệm cao cả của tôi trước Đảng, Nhà nước và nhân dân", ông Mẫn nói.

Ông Trần Thanh Mẫn bày tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn đến Chủ tịch Hồ Chí Minh; tri ân các bậc lãnh đạo tiền bối, lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động; các gia đình liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, gia đình có công với đất nước.

Tân Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cảm ơn về sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sâu sát của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng thời, cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội, đồng bào, cử tri cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài; các nước, các tổ chức, cá nhân bạn bè quốc tế đã giúp đỡ, chia sẻ để đất nước Việt Nam "chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay".

XEM NHANH 20H ngày 20-5 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tuyên thệ nhậm chức

Ông Trần Thanh Mẫn khẳng định, luôn nhận thức sâu sắc rằng, dù ở vị trí công tác nào cũng phải luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc và quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Ông Trần Thanh Mẫn cũng khẳng định sẽ nắm vững và nghiêm túc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiên định, nhất quán và giữ vững nguyên tắc làm việc của Đảng trước khó khăn, thách thức mới của đất nước. Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng; nghiêm túc tự soi, tự sửa, tự phê bình và phê bình; gương mẫu về đạo đức, lối sống trong công tác cũng như trong cuộc sống của bản thân, gia đình.

Bộ Công thương trả lời kiến nghị bỏ độc quyền phân phối điện

Sáng 20.5, Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp thứ 7. Ủy ban Thường vụ Quốc hội có báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6.

Báo cáo cho thấy, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, 2.216 kiến nghị của cử tri đã được tiếp nhận, tổng hợp. Nội dung kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, tập trung như: lao động - thương binh và xã hội, y tế, giao thông vận tải, giáo dục - đào tạo, nông nghiệp - nông thôn…

"Đến nay, 2.210 kiến nghị của cử tri đã được giải quyết, trả lời, đạt 99,7%", báo cáo nêu.

Xem nhanh 20h ngày 20.5: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tuyên thệ nhậm chức- Ảnh 2.

Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 7

GIA HÂN

Một trong những nội dung được đề cập trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là việc Bộ Công thương trả lời kiến nghị của cử tri về tình trạng độc quyền trong sản xuất và phân phối điện. Theo đó, cử tri kiến nghị để các tổ chức, cá nhân có năng lực có thể tham gia vào các công đoạn này.

Bộ Công thương cho hay, việc tham gia của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào khâu phát điện và phân phối bán lẻ điện đã từng bước giảm dần về thị phần. Thay vào đó, tỷ trọng tham gia của khối tư nhân vào các hoạt động của ngành điện có xu hướng tăng dần theo thời gian.

Đối với khâu phát điện, Bộ Công thương dẫn chứng đã có nhiều thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động phát điện, bao gồm nhà nước, tư nhân, nhập khẩu, nước ngoài.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, tính đến tháng 11.2023, tỷ trọng của các thành phần kinh tế trong khâu phát điện như sau: EVN chiếm 13%, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chiếm 8%, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chiếm 2%, Genco 1 chiếm 9%, Genco 2 chiếm 5%, Genco 3 chiếm 7%. Các nhà máy điện BOT chiếm 11%, tư nhân chiếm 42%, và nhập khẩu điện chiếm 2%.

Đối với khâu phân phối bán lẻ điện, hiện nay, 5 tổng công ty điện lực thực hiện chức năng phân phối, bán lẻ điện cho các khách hàng trên toàn lãnh thổ Việt Nam, chiếm khoảng trên 90% tổng sản lượng điện thương phẩm toàn quốc.

Ngoài ra, còn có hơn 1.000 tổ chức thuộc tư nhân hoặc cổ phần, các hợp tác xã thực hiện cung ứng điện cho khách hàng, chiếm khoảng gần 10% tổng sản lượng điện thương phẩm toàn quốc.

Bản tin "Xem nhanh 20h" sẽ quay trở lại vào lúc 20 giờ tối mai với những thông tin trong nước và quốc tế nóng hổi khác tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.