Proton: Niềm tự hào của Malaysia có thể vực dậy?

10/11/2018 12:57 GMT+7

Năm 2007, Proton mất vị trí dẫn đầu thị trường xe Malaysia lần đầu tiên sau 22 năm rơi vào tay Perodua, ghi nhận lỗ 46 triệu USD. Vì đâu mà ‘con cưng’ của chính phủ nước này với rất nhiều chính sách bảo hộ lại rơi vào cảnh tụt dốc?

[VIDEO] Câu chuyện thành-bại của Proton - hãng xe quốc gia Malaysia
Khi kẻ tiên phong không còn dẫn đầu
Giới báo chí và chuyên gia vẫn thường đặt câu hỏi từ khi nào Proton đi xuống. Nhiều người cho rằng kể từ khi Proton bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997, cùng sự xuất hiện của một hãng xe quốc gia khác - Perodua, năm 1993, dù không không trực tiếp đối đầu với Proton khi chính phủ định hướng công ty sản xuất dòng xe khác với "đàn anh".
Năm 2007, Proton mất vị trí dẫn đầu thị trường Malaysia lần đầu tiên sau 22 năm vào tay Perodua, ghi nhận lỗ 46 triệu USD.
Chịu mức thuế bằng các hãng xe khác khiến Proton khó cạnh tranh
Chế độ bảo hộ dành cho Proton cũng gần như mất hiệu lực khi năm 1992, Malaysia ký hiệp ước AFTA, giảm thuế nhập khẩu ô tô xuống 0-5% trong khối ASEAN, bao gồm các hãng xe nước ngoài sản xuất ở các nước ASEAN. Điều này đồng nghĩa ưu thế giá cả phải chăng của Proton suy giảm. Dù chính phủ Malaysia cũng đã nỗ lực "cứu" hai đứa con của mình bằng cách trì hoãn thực hiện cam kết 2 năm. Sau khi hoãn 1 năm, chính phủ Malaysia áp dụng giảm thuế nhập khẩu theo AFTA đồng thời tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 0% lên 60%.
Doanh số xuất khẩu của Proton cũng giảm. Sau thành công những năm 1990 ở thị trường Anh, Proton bị đánh bại bởi những hãng Hàn Quốc, Nhật Bản, được cho là đem lại chất lượng tốt hơn. Doanh số giảm dần từ 2.752 xe xuống 1.518 và 960 qua các năm 2002, 2008 và 2009. Kế hoạch xâm nhập thị trường Mỹ cũng thất bại đã khiến Proton thiệt hại hàng triệu ringgit khi kế hoạch sản xuất 100.000 xe không được chính quyền Mỹ thông qua do không đạt chất lượng kỹ thuật.

tin liên quan

Proton: Đằng sau thành công của hãng xe quốc gia Malaysia
Thành lập năm 1983, ra mắt chiếc xe đầu tiên năm 1985, hãng xe Proton đi từ vị trí ‘át chủ bài’ cho Đề án ô tô quốc gia Malaysia năm 1981, đến vai trò tiên phong trong buổi đầu xây dựng nền công nghiệp ô tô phát triển nhất nhì Đông Nam Á, thậm chí là niềm tự hào, biểu tượng quốc gia nước này
Tháng 3.2004, Proton ngừng hợp tác với công ty Mitsubishi. Trao đổi với báo Thanh niên, chuyên gia Yamin Vong có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành ô tô Malaysia nhận định đây là một trong những sai lầm và là "thảm họa" đối với Proton khiến công ty này đi xuống.
“Proton không có công nghệ riêng, họ đi mua công nghệ sản xuất, nhưng lại ngừng hợp tác với Mitsubishi. Và trong sản xuất ô tô, mỗi năm bạn phải sản xuất 350.000 xe cho mỗi mẫu thì mới có thể đạt lợi nhuận. Proton chỉ đạt doanh số 70.000 xe cho 2-3 mẫu mỗi năm. Làm sao thành công được đây? Mỗi mẫu xe mới tốn khoảng 500 triệu ringgit (tương đương 2.830 tỉ đồng), với doanh số đó họ không có lời được” - ông nói.
Rất dễ bắt gặp xe Perodua trên đường phố Malaysia
So sánh với Perodua, hiện nay hãng vẫn đang hợp tác Daihatsu (Nhật Bản) từ khi thành lập, đối tác có thể đem đến cho họ công nghệ, mẫu mã mới nhất, và theo ông Vong đây là lý do khiến Perodua thống lĩnh thị trường Malaysia hiện nay. Đặc biệt là mẫu được đánh giá là "thay đổi cuộc chơi" và là mẫu bán chạy nhất thị trường Malaysia hiện nay Perodua Myvi, ra mắt năm 2015.
Chuyên gia Yamin Vong cũng nhấn mạnh, “Rất may bây giờ họ đã có Geely rồi”.

tin liên quan

Proton: Câu chuyện thành-bại của hãng xe quốc gia Malaysia
Thành lập từ năm 1983, hãng xe Proton có gần 20 năm thống lĩnh thị trường Malaysia. Sau đó liên tục thua lỗ, mất thị phần và phải bán gần một nửa cho Geely - Trung Quốc. Từ đây, Proton trở lại đường đua... Cùng PV Thanh Niên tại Malaysia tìm hiểu câu chuyện thành-bại của Proton.
Quay trở lại đường đua
Tháng 6.2017, tập đoàn Geely (Chiết Giang, Trung Quốc) mua lại 49,9% Proton với giá 460,3 triệu ringgit (tương đương hơn 2.600 tỉ đồng), trong đó 290 triệu ringgit được dùng để chuyển nhượng mẫu xe SUV Boyue nổi tiếng.
Tập đoàn Geely thành lập năm 1997 bởi triệu phú Lý Thư Phúc, sở hữu hơn 30 mẫu mã xe và từng mua lại nhiều hãng xe nổi tiếng. Mua lại Proton là bước đi đáng chú ý của Geely hướng đến thị trường Đông Nam Á.
Thương vụ từng gây xôn xao khi nhiều người cho rằng Proton không còn là thương hiệu quốc gia khi rơi vào tay công ty Trung Quốc. Nhưng đối với giới quan sát, đây là lối thoát cho Proton, như ông Yamin Vong nói, đó là may mắn. Theo ông, công ty sản xuất ô tô lớn thứ 7 Trung Quốc này sẽ giúp Proton về vốn, công nghệ, và đa dạng mẫu mã để tiếp tục đứng vững trên thị trường và thậm chí lấy lại ngôi vương.
Liệu Proton có thể vực dậy?
“Việc bảo hộ chỉ tốt trong 10 năm đầu thôi. Còn sau đó Proton phải tự đứng lên và chiến đấu. Mọi hãng xe đều phải cạnh tranh như nhau. Nếu Toyota phải đóng 50% thuế thì Proton cũng phải như vậy nếu cả hai đang sản xuất xe tại Malaysia”, ông nói thêm.
Ông Hezeri Samsuri - Quản lý trang xe Careta.my chia sẻ sự lạc quan, “Sau thương vụ của Geely và Proton, tôi nghĩ đây là thời gian đáng mong chờ vào thị trường xe khu vực Đông Nam Á. Vì thị trường xe Trung Quốc thay đổi rất kinh khủng và các công ty xe phải dè chừng. Proton được xem là một trong những thay đổi lớn đối với Geely. Chờ xem thế nào”. Ông cũng cho biết thêm, cá nhân ông đặc biệt mong chờ việc Geely giúp Proton có thể xuất khẩu xe. Và đó là một trong rất nhiều sự kỳ vọng đối với Proton, nhất là đối với vị CEO mới - ông Lý Xuân Vinh (Li Chunrong).
Trong suốt một năm qua, Proton chưa có bất kỳ động thái nào mới. CEO cũng hạn chế xuất hiện trước giới báo chí cho đến ngày 28.6 vừa qua. Mở đầu bài phát biểu, CEO đầu tiên không mang quốc tịch Malaysia của Proton dùng câu chào buổi sáng “Selamat Pagi” và kể, “8 tháng qua, bạn bè, người quen gặp tôi câu đầu tiên sẽ hỏi, Proton của ông thế nào rồi, câu thứ hai, ông ổn chứ, với Proton”.
CEO Proton - ông Lý Xuân Vinh
Và rồi ông mang đến những thông tin mới nhất về sản phẩm sắp ra mắt. “Mọi chuyện vẫn đang được kiểm soát tốt, chúng tôi đang tiến hành sản xuất tại Tanjung Malim và sẽ ra mắt sản phẩm mới vào tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay”, ông nói trong buổi trao đổi với báo chí cùng ban điều hành công ty sau sự kiện cải tiến trung tâm chăm sóc khách hàng ở Shah Alam, bang Selangor.
Ông gọi báo chí là “bạn bè”, và cho rằng những người bạn này sẽ giúp ông giới thiệu sản phẩm Boyue mới đến khách hàng: “Việc sản xuất không có gì trục trặc, và quan trọng không phải là chúng tôi sẽ sản xuất, bán ra bao nhiêu, mà vấn đề là nhu cầu của người dân đối với sản phẩm này”.
Ông cho biết, Proton mất đến 18 tháng để hoàn thành sản phẩm mới vì cần điều chỉnh hệ thống tay lái từ trái (theo Trung Quốc) sang phải (Malaysia sử dụng tay lái nghịch) và quá trình này cần 1.000 kỹ sư của Proton cùng làm việc với kĩ sư Geely.
“Chúng tôi sẽ đem đến mẫu mã và công nghệ mới nhất cùng thời điểm với Trung Quốc đến Malaysia, chứ không phải sản phẩm đã qua 5, 10 năm. Vì đối thủ ở đây quá mạnh và Proton không muốn thua” - ông khẳng định.
Khi được báo Thanh Niên hỏi về việc xuất khẩu Proton trong tương lai, CEO thừa nhận hiện nay công ty chỉ đang xuất khẩu vài trăm so với trước đây là vài chục ngàn xe, điều này là chưa đủ và công ty sẽ tiếp tục cải tiến các công nghệ, sản phẩm nhằm xuất khẩu. “Nhưng hiện nay với chúng tôi ưu tiên vẫn là thị trường Malaysia, sau đó, chúng tôi sẽ tìm cách tiếp cận thị trường quốc tế”, ông nói. Ông cho rằng Proton là biểu tượng quốc gia, là công ty có vai trò quan trọng, đã, đang và sẽ đóng góp cho đất nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.